Tiểu dẫn: "Tấn bộ bao giờ cũng trông như xa hơn thật tế" :). Chỉnh tới lui một bản dịch hình như cho tui ảo giác là bản dịch đã tốt hơn rất nhiều sau vài mươi lần đọc tới lui và đục đẻo.
Tractatus Logico-Philosophicus của Ông Wittgenstein chắc chắn xứng đáng được xem là một sự kiện quan trọng trong thế giới triết học vì phạm vi, độ rộng, và độ sâu của nó, bất kể nó có trưng ra chân lý tối hậu về những vấn đề nó bàn đến hay không. Xuất phát từ các nguyên lý của Ngôn ngữ biểu trưng và các quan hệ tất yếu giữa các từ và các vật trong bất kỳ ngôn ngữ nào, nó áp dụng kết quả ấy trong sự tra vấn này vào nhiều lĩnh vực khác nhau của triết học truyền thống, nó chỉ ra rằng trong từng trường hợp, triết học truyền thống và những lời giải truyền thống nảy sinh là do ta không biết các nguyên lý của Ngôn ngữ biểu trưng và dùng nhầm lẫn ngôn ngữ.
Ta sẽ bàn đến đầu tiên cấu trúc logic của những mệnh đề và bản tính của phép suy ra logic. Từ đây, ta sẽ lần lượt đi đến Tri Thức Học, Những Nguyên Lý Vật Lý, Đạo Đức Học, và cuối cùng là cái Huyền Nhiệm (das Mystiche).
Để hiểu quyển sách của Ông Wittgenstein, nhất thiết ta phải nhận biết ông đang quan tâm vấn đề gì. Trong phần lý thuyết của ông về Ngôn ngữ biểu trưng, ông quan tâm đến các điều kiện một ngôn ngữ hoàn hảo về logic phải đáp ứng. Có nhiều vấn đề đa dạng về ngôn ngữ. Thứ nhất là vấn đề điều gì thật sự đang diễn ra trong tâm trí chúng ta khi chúng ta dùng ngôn ngữ để nói điều gì đó; vấn đề này thuộc về tâm lý học. Thứ nhì là vấn đề về mối quan hệ tồn tại giữa các tư tưởng, các từ, hay các câu, và sở chỉ và nghĩa của chúng là gì; vấn đề này thuộc về tri thức học. Thứ ba là vấn đề dùng các câu để truyền đạt chân lý thay vì sai lầm; đây thuộc về các khoa học chuyên biệt bàn về chủ đề của các câu nói trên. Thứ tư là câu hỏi: một sự thật (chẳng hạn như một câu) phải có quan hệ gì với cái khác để có năng lực làm một biểu tượng cho cái khác? Câu hỏi cuối cùng là câu hỏi logic, và là câu hỏi Ông Wittgenstein đang quan tâm. Ông quan tâm đến các điều kiện đặt ra cho Ngôn ngữ biểu trưng chính xác, đó là để trong Ngôn ngữ biểu trưng đó, nghĩa của một câu là khá xác định. Trong thực hành, ngôn ngữ bao giờ cũng ít nhiều mơ hồ, cho nên điều chúng ta khẳng định không bao giờ chính xác lắm. Vì vậy, logic có hai vấn đề phải xử lý về Ngôn ngữ biểu trưng: (1) các điều kiện các tổ hợp biểu tượng phải đáp ứng để có ý thay vì không có ý; (2) các điều kiện đặt ra cho tính duy nhất của nghĩa hay sở chỉ trong các biểu tượng hay các tổ hợp biểu tượng. Một ngôn ngữ hoàn hảo về logic phải có những quy tắc cú pháp ngăn chặn những gì không có ý, và có những biểu tượng duy nhất luôn luôn có một nghĩa xác định và độc nhất. Ông Wittgenstein quan tâm đến các điều kiện đặt ra cho một ngôn ngữ hoàn hảo về logic- không ở chỗ ngôn ngữ nào đó là hoàn hảo về logic, hay ở chỗ chúng ta tin mình, ở đây và bây giờ, có năng lực xây dựng một ngôn ngữ hoàn hảo về logic, mà ở chỗ toàn bộ chức năng của ngôn ngữ là có nghĩa, và nó chỉ đáp ứng chức năng này càng cao khi nó tiệm cận càng gần với ngôn ngữ lý tưởng ta giả định.
Công việc bản chất của ngôn ngữ là khẳng định hay phủ định các sự thật. Cho sẵn cú pháp của một ngôn ngữ, nghĩa của một câu là xác định ngay khi ta biết nghĩa của các từ trong đó. Để một câu nào đó khẳng định một sự thật nào đó, cho dù ngôn ngữ ấy có thể xây dựng ra sao đi nữa, tất yếu phải có cái gì đó chung giữa cấu trúc của câu và cấu trúc của sự thật. Đây có lẽ là luận đề căn bản nhất của lý thuyết của Ông Wittgenstein. Ông cho rằng tới lượt cái chung giữa câu và sự thật ta không thể nói ra bằng ngôn ngữ. Theo lối nói của ông, nó chỉ có thể được chỉ ra, chứ không thể nói ra, vì bất kể điều gì ta có thể nói sẽ vẫn cần có cùng chung cấu trúc đó.
Điều kiện tất yếu thứ nhất đặt ra cho một ngôn ngữ lý tưởng là chỉ nên có một tên cho mỗi một cái đơn giản, và đừng bao giờ có cùng một tên cho hai cái đơn giản. Một tên là một biểu tượng đơn giản theo ý nó không có hơn một bộ phận mà bản thân các bộ phận đó cũng là biểu tượng. Trong ngôn ngữ hoàn hảo về logic, cái gì không đơn giản, cái đó không có một biểu tượng đơn giản. Biểu tượng cho cái toàn bộ sẽ là một ‚phức thể’, phức thể này chứa các biểu tượng cho các bộ phận. Khi nói về một phức thể, như sẽ thấy về sau, chúng ta đang phạm lỗi đi ngược lại các quy tắc của ngữ pháp triết học, nhưng điều này là chẳng thể tránh khỏi lúc ban đầu. ‚Đa số các mệnh đề và các câu hỏi ta gặp trong các tác phẩm triết học không phải sai mà là không có ý. Bởi vậy, ta đâu thể trả lời được câu hỏi nào mà chỉ có thể chỉ ra chúng vốn không có ý. Đa số các mệnh đề và các câu hỏi của các triết gia phát sinh từ việc ta chưa hiểu logic của ngôn ngữ của mình. (Chúng thuộc về cùng một lớp như câu hỏi liệu cái thiện là đồng nhất nhiều hơn hay ít hơn với cái đẹp). (4.003) [ND: bản 1974]. Cái phức hợp trong thế giới là một sự thật. Các sự thật không do những sự thật khác ghép lại Ông Wittgenstein gọi là Sachverhalte, trong khi một sự thật có thể gồm có hai sự thật hay nhiều hơn được gọi là một Tatsache: thí dụ ‚Socrates là minh triết’ vừa là một Sachverhalt vừa là một Tatsache, trong khi ‚Socrates là minh triết và Plato là học trò của ông’ là một Tatsache nhưng không phải một Sachverhalt.
Ông so sánh biểu thức ngôn ngữ với phép phóng chiếu trong hình học. Một hình hình học có thể được phóng chiếu bằng nhiều cách: mỗi một cách tương ứng với một ngôn ngữ khác nhau, nhưng các tính chất phóng chiếu của hình ban đầu vẫn không đổi bất kể ta theo cách nào trong mấy cách này. Các tính chất phóng chiếu này tương ứng với cái chung giữa mệnh đề và sự thật trong lý thuyết của ông, nếu mệnh đề đó muốn khẳng định sự thật đó.
Ở mức sơ đẳng, điều này đương nhiên rõ ràng. Chẳng hạn, ta không thể thực hiện một phát biểu về hai người (lúc này giả sử hai người này có thể được xem là hai cái đơn giản), mà không dùng hai tên, và nếu bạn sắp khẳng định một quan hệ giữa hai người này, tất yếu câu bạn dùng để thực hiện sự khẳng định sẽ thiết lập một quan hệ giữa hai tên ấy. Nếu chúng ta nói ‚Plato yêu mến Socrates’, từ ‚yêu mến’ xảy ra giữa từ ‚Plato’ và từ ‚Socrates’ thiết lập một quan hệ nào đó giữa hai từ này, và đó là do sự thật câu của chúng ta có thể khẳng định một quan hệ giữa hai người có tên là hai từ ‚Plato’ và ‚Socrates’. ‚ Thay vì nói ‘Ký hiệu phức “aRb” nói rằng a đứng với b trong quan hệ R’, ta phải nói “việc “a” đứng với “b” trong một quan hệ nào đó nói rằng aRb’ (3.1432) [ND: bản 1974].
Ông Wittgenstein mở đầu lý thuyết về Ngôn ngữ biểu trưng của mình bằng phát biểu (2.1): ‚ Chúng ta vẽ [ND: hình dung] bức tranh các sự thật cho mình’.[ND: bản 1974] Ông nói một bức tranh là một mô hình về thực tại, và các thành tố của bức tranh tương ứng với các đối tượng trong thực tại: bản thân bức tranh là một sự thật. Việc các vật có một quan hệ nào đó với nhau được trình bày bởi việc các thành tố của bức tranh có một quan hệ nào đó với trong bức tranh ấy. ‚ Để bức tranh có thể là bức tranh của cái khác, [tất yếu] phải có cái gì đó đồng nhất nằm trong bức tranh đó và cái nó vẽ. Để một bức tranh có thể vẽ ra thực tại, dù đúng dù sai trong cách vẽ của mình, những gì một bức tranh phải có chung với thực tại là hình thức tranh của nó.’ (2.161, 2.17). [ND: bản dịch của Russell dùng ‘form of representation’, bản 1974 dùng ‘pictorial form’= ‘hình thức tranh]
Chúng ta nói về một bức tranh logic của một thực tại khi chúng ta muốn ngụ ý chỉ có bao nhiêu tính tương đồng là bản chất đối với việc bức tranh là một bức tranh theo ý nào đó, tức là khi chúng ta muốn ngụ ý chẳng gì khác hơn là tính đồng nhất của hình thức logic. Ông nói bức tranh logic của một sự thật là một Gedanke. Một bức tranh có thể tương ứng hay không với sự thật và tùy theo đó là đúng hay sai, nhưng trong cả hai trường hợp, nó đều có chung hình thức logic với sự thật đó. Cái ý ông đang nói về các bức tranh được ông minh họa trong phát biểu này: ‚ Một đĩa thu âm, ý niệm âm nhạc, các nốt nhạc dạng viết, các sóng âm thanh tất cả đều có quan hệ với nhau trong cùng một mối quan hệ mô tả nội tại giữa ngôn ngữ và thế giới. Tất cả chúng đều được xây dựng tương ứng theo một kiểu mẫu logic chung. (Giống như hai người thanh niên trong câu chuyện cổ tích, hai con ngựa của họ, hai bông hoa huệ của họ. Hết thảy đều nằm trong cùng một ý nào đó).’ (4.014). [ND: bản dịch 1974] Khả năng của một mệnh đề trình bày một sự thật là nhờ vào việc những ký hiệu trong sự thật trình bày các đối tượng. Các ký hiệu không trình bày những cái được gọi là ‚các hằng’ logic, mà chính các hằng này hiện diện trong mệnh đề như trong sự thật. Mệnh đề và sự thật phải trưng ra cùng một ‚manifold’ logic, và bản thân điều này không thể trình bày được vì nó phải nằm trong cái chung giữa sự thật và bức tranh. Ông Wittgenstein cho rằng tất cả những gì mang tính chất triết học đích thực thuộc về những gì chỉ có thể được chỉ ra, những gì có chung giữa một sự thật và bức tranh logic của nó. Đó là kết quả của quan điểm nghĩ rằng trong triết học, ta không thể nói điều chi đúng đắn. Mỗi mệnh đề triết học là ngữ pháp kém, và điều tốt nhất ta có thể hy vọng đạt được qua thảo luận triết học là cho người ta thấy thảo luận triết học là một lỗi lầm. ‚ Triết học chẳng phải là một trong nhiều khoa học tự nhiên. (Từ ‘triết học’ phải hàm nghĩa cái gì đó có vị trí ở trên hay ở dưới các khoa học tự nhiên, chứ không phải nằm bên cạnh chúng). Triết học nhắm đến làm rõ các tư tưởng về mặt logic. Triết học chẳng phải một khối học thuyết mà là một hoạt động. Một tác phẩm triết học xét về bản chất gồm những tường giải. Triết học không tạo ra ‘các mệnh đề triết học’ mà nhằm làm rõ các mệnh đề. Có thể nói, thiếu triết học, các tư tưởng như mây mù và không phân biệt: tác vụ của nó là làm rõ chúng và đem lại cho chúng các đường biên giới rõ ràng. (4.111 và 4.112). [ND: bản dịch 1974] Theo nguyên lý này, để độc giả có thể hiểu lý thuyết của Ông Wittgenstein thì phải nói những điều mà rồi tất cả chúng đều bị chính lý thuyết này kết tội là vô nghĩa. Với điều kiện này, chúng ta sẽ cố gắng diễn tả bức tranh thế giới có vẻ như làm cơ sở cho hệ thống của ông.
Thế giới bao gồm các sự thật: tuy không thể định nghĩa các sự thật một cách nghiêm ngặt, nhưng chúng ta có thể giải thích điều mình muốn nói: sự thật là cái làm cho mệnh đề thành đúng hay sai. Các sự thật có thể chứa hay không chứa các sự thật khác; chẳng hạn: ‚Socrates là một người Athen minh triết’ gồm có hai sự thật ‚Socrartes là minh triết’ và ‚Socrates là một người Athen’. Một sự thật không có bộ phận là sự thật Ông Wittgenstein gọi là một Sachverhalt. Sachverhalt chính là cái ông gọi là một sự thật nguyên tử. Một sự thật nguyên tử, mặc dù không có các bộ phận là các sự thật, nhưng lại chứa các bộ phận. Nếu có thể xem ‚Socrates là minh triết’ là một sự thật nguyên tử, chúng ta nhận thấy nó chứa hai thành tố ‚Socrates’ và ‚minh triết’. Nếu một sự thật nguyên tử được phân tích đến tận cùng (ý nói trên khả năng lý thuyết chứ không nói khả năng thực hành), các thành tố cuối cùng đạt đến có thể được gọi ‚những cái đơn giản’ hay ‚những đối tượng’. Sở dĩ như vậy không phải do Wittgenstein cho rằng thực ra chúng ta có thể phân lập cái đơn giản hay có tri thức thường nghiệm về nó. Đó là do lý thuyết đòi hỏi ở tính tất yếu logic, giống như một electron. Cơ sở để ông tin phải có những cái đơn giản là do mỗi phức thể đều tiền giả định một sự thật. Không nhất thiết ta phải giả sử tính phức tạp của một sự thật là hữu hạn: thậm chí nếu mỗi sự thật gồm vô số sự thật nguyên tử và nếu mỗi sự thật nguyên tử gồm vô số đối tượng, thì sẽ vẫn tồn tại các đối tượng và sự thật nguyên tử. (4.2211) [ND: bản dịch Russell dùng ‚atomic fact’= ‚sự thật nguyên tử’ trong khi bản 1974 dùng ‘state of affair’= ‚ sự trạng’]. Sự khẳng định có một phức thể nào đó quy thoái về sự khẳng định các thành tố của nó quan hệ với nhau theo một cách nào đó, và đây là một khẳng định về một sự thật: vì vậy, nếu chúng ta gán tên cho phức thể ấy, tên chỉ có nghĩa nhờ tính chân lý của một mệnh đề nào đó, đó là mệnh đề khẳng định tính quan hệ giữa các thành phần của phức thể. Vì vậy, sự đặt tên các phức thể tiền giả định các mệnh đề, trong khi các mệnh đề tiền giả định sự đặt tên các cái đơn giản. Bằng con đường này, sự đặt tên các cái đơn giản được chỉ ra là cái đến trước theo logic trong logic học.
Thế giới được mô tả hoàn chỉnh nếu biết tất cả sự thật nguyên tử, cùng với sự thật chúng là tất cả sự thật. Ta không mô tả thế giới chỉ bằng đơn thuần đặt tên tất cả các đối tượng trong đó; ta nhất thiết cũng phải biết các sự thật nguyên tử chứa các đối tượng này. Cho sẵn toàn bộ các sự thật nguyên tử này, mỗi mệnh đề đúng, dù phức tạp thế nào, cũng đều có thể được suy ra theo lý thuyết. Một mệnh đề (đúng hay sai) khẳng định một sự thật nguyên tử được gọi là một mệnh đề nguyên tử. Tất cả mệnh đề nguyên tử đều độc lập với nhau theo logic. Không một mệnh đề nguyên tử nào suy ra hay không nhất quán với mệnh đề nguyên tử khác. Vì vậy, toàn bộ công việc của phép suy ra logic là về những mệnh đề không phải mệnh đề nguyên tử. Các mệnh đề như thế có thể được gọi là mệnh đề phân tử.
Lý thuyết về các mệnh đề phân tử của Wittgenstein tùy thuộc vào lý thuyết xây dựng các hàm chân lý của ông.
Một hàm chân lý của một mệnh đề p là một mệnh đề chứa p và sao cho tính đúng và sai của nó chỉ phụ thuộc vào tính đúng hay sai của p, và tương tự một hàm chân lý của nhiều mệnh đề p,q,r,…là một mệnh đề chứa p,q,r…và sao cho tính đúng hay sai của nó chỉ phụ thuộc vào tính đúng hay sai của p,q,r…Thoạt trông ta có thể thấy hình như có những hàm mệnh đề khác bên cạnh các hàm chân lý; chẳng hạn như ‘A tin p’, bởi vì nói chung, A sẽ tin một số mệnh đề đúng và một số mệnh đề sai: trừ phi anh ta là một cá nhân tài năng phi thường, chúng ta không thể suy ra p đúng từ việc anh ta tin p hay p là sai từ việc anh ta không tin p. Những ngoại lệ bề ngoài khác chẳng hạn như là ‘p là một mệnh đề rất phức tạp’ hay ‘p là một mệnh đề về Socrates’. Tuy nhiên, vì những lý do sẽ xuất hiện ngay sau đây, Ông Wittgenstein tin rằng các ngoại lệ như thế chỉ là bề ngoài, và mỗi hàm của một mệnh đề thật ra là một hàm chân lý. Suy ra rằng nếu có thể định nghĩa hàm chân lý một cách tổng quát, chúng ta có thể đạt được một định nghĩa tổng quát của mọi mệnh đề theo tập hợp mệnh đề nguyên tử ban đầu. Đây là bước tiếp theo của Wittgenstein.
Tiến sĩ Sheffer đã chứng minh (Trans. Am. Math. Soc., Vol. XIV. pp. 481–488) rằng mọi hàm chân lý của một tập hợp mệnh đề cho sẵn đều có thể xây dựng từ một trong hai hàm ‘không-p hoặc không-q’ hay ‘không-p và không-q’. Wittgenstein dùng hàm sau, và giả sử ta biết về tác phẩm của Tiến sĩ Sheffer. Cách thức để xây dựng các hàm chân lý khác từ ‘không-p và không-q’ là dễ thấy. ‘Không-p và không-p’ là tương đương với ‘không-p’, nhờ vậy chúng ta thu được một định nghĩa phép phủ định qua hàm cơ sở của chúng ta: do vậy, chúng ta có thể định nghĩa ‘p hoặc q’, bởi vì đây là sự phủ định của ‘không-p và không-q’, tức là sự phủ định hàm cơ sở của chúng ta. Sự phát triển những hàm chân lý khác từ ‘không-p’ và ‘p hoặc q’ đã được trình bày chi tiết trong phần đầu Principia Mathematica. Điều này mang lại cho ta tất cả những gì cần thiết khi các mệnh đề làm đối số cho hàm chân lý của chúng ta được cho bằng sự liệt kê. Tuy nhiên, nhờ một phép phân tích rất lý thú, Wittgenstein đã thành công khi mở rộng quá trình này cho những mệnh đề tổng quát, tức là những trường hợp mà các mệnh đề làm đối số cho hàm chân lý của chúng ta không được cho bằng sự liệt kê mà được cho như tất cả những gì thỏa mãn điều kiện nào đó. Chẳng hạn, ta hãy đặt fx là một hàm mệnh đề (tức một hàm có giá trị là những mệnh đề), thí dụ như ‘x là con người’, thì nhiều giá trị khác nhau của fx tạo thành một tập hợp mệnh đề.
Chúng ta có thể mở rộng ý niệm ‘không-p và không-q’ để áp dụng phép phủ định đồng thời của tất cả các mệnh đề là những giá trị của fx. Bằng cách này, chúng ta đi đến mệnh đề thông thường được trình bày trong logic toán bằng lời ‘fx là sai với mọi giá trị của x’. Sự phủ định mệnh đề này sẽ là mệnh đề ‘có ít nhất một fx sao cho fx là đúng’ vốn được trình bày là ‘(∃x).fx’. Nếu bắt đầu với không-fx thay vì fx, chúng ta sẽ đi đến mệnh đề ‘fx là đúng với mọi giá trị của x’ vốn được trình bày là ‘(x).fx’. Phương pháp của Wittgenstein để xử lý các mệnh đề tổng quát [tức là ‘(x).fx’ và ‘(∃x).fx’] khác với phương pháp trước ở chỗ tính tổng quát chỉ xuất hiện khi ta xác định cụ thể tập hợp mệnh đề đang quan tâm, và khi làm xong điều này, việc xây dựng các hàm chân lý tiếp tục giống y như đã làm trong trường hợp một số hữu hạn các đối số được liệt kê như p,q,r…
Sự giải thích của Wittgenstein về ngôn ngữ biểu trưng của mình không được đầy đủ lắm trong phần chính văn. Biểu tượng ông dùng là
[ , , N( ) ].
Xin giải thích biểu tượng này như sau:
đại diện cho tất cả mệnh đề nguyên tử.
đại diện cho bất kỳ tập hợp mệnh đề nào.
N( ) đại diện cho sự phủ định tất cả mệnh đề nằm trong .
Toàn bộ biểu tượng [ , , N( ) ] nghĩa là mọi thứ có thể thu được bằng cách lấy bất kỳ sự chọn lựa những mệnh đề nguyên tử nào, phủ định tất cả chúng, rồi lấy bất kỳ sự chọn lựa tập hợp những mệnh đề bây giờ thu được, cùng với bất kỳ những mệnh đề nào của các mệnh đề ban đầu- và vân vân đến vô hạn. Ông nói đây là hàm chân lý tổng quát và cũng là hình thức tổng quát của mệnh đề. Điều này có nghĩa ít rối rắm hơn ta tưởng. Biểu tượng được dùng nhằm diễn tả một quá trình mà nhờ cho sẵn các mệnh đề nguyên tử, ta có thể tạo ra những mệnh đề khác. Quá trình này phụ thuộc vào:
(a) chứng minh của Sheffer rằng tất cả hàm chân lý có thể thu được từ sự phủ định đồng thời, đó là từ ‘không-p và không-q’.
(b) Lý thuyết thiết lập mệnh đề tổng quát từ phép hợp và phép tuyển
(c) Sự khẳng định một mệnh đề chỉ có thể xảy ra trong một mệnh đề khác trong vai trò đối số cho một hàm chân trị.
Cho sẵn ba nền tảng này, ta suy ra rằng tất cả mệnh đề không phải mệnh đề nguyên tử đều có thể được thiết lập từ các mệnh đề nguyên tử, nhờ một quá trình giống nhau, và quá trình này được biểu tượng của Ông Wittgenstein chỉ ra.
Từ phương pháp xây dựng giống nhau này, chúng ta đơn giản hóa đến mức đáng kinh ngạc lý thuyết về phép suy ra, cũng như thu được một định nghĩa loại mệnh đề nào thuộc về logic. Phương pháp tạo sinh vừa mô tả giúp Wittgenstein có thể nói rằng mọi mệnh đề đều có thể được xây dựng bằng cách bên trên từ các mệnh đề nguyên tử, và bằng cách này toàn bộ mệnh đề được định nghĩa. (Các ngoại lệ bề ngoài đã đề cập bên trên sẽ được xử lý bằng một cách ta sẽ suy xét sau). Wittgenstein có thể khẳng định rằng các mệnh đề là những gì được suy ta từ toàn bộ các mệnh đề nguyên tử (cùng với sự thật toàn bộ chúng tồn tại); rằng một mệnh đề bao giờ cũng là một hàm chân lý của các mệnh đề nguyên tử, và rằng nếu p được suy ra từ q, nghĩa của p được chứa trong nghĩa của q, từ đây dĩ nhiên suy ra không gì có thể được diễn dịch từ một mệnh đề nguyên tử. Ông cho rằng tất cả mệnh đề logic đều là các trùng ngôn, ví dụ như là ‘p hoặc không-p’.
Việc không gì có thể được suy ra từ một mệnh đề nguyên tử có những áp dụng lý thú, chẳng hạn như, với tính nhân quả.Trong logic của Wittgenstein, không thể có mối quan hệ nhân quả. Ông nói ‘Các sự kiện tương lai không thể được suy ra từ các sự kiện hiên tại. Mê tín là niềm tin vào mối kết nối nhân quả’. Mặt trời sẽ mọc vào ngày mai là một giả thuyết. Chúng ta quả thật chẳng biết nó sẽ mọc hay không, bởi lẽ không có gì ép buộc một sự kiện phải xảy ra vì một sự kiện khác đang xảy ra.
Chúng ta bây giờ hãy chuyển sang một chủ đề khác, chủ đề tên. Trong ngôn ngữ logic lý thuyết của Wittgenstein, tên chỉ được đặt cho những cái đơn giản. Chúng ta không thể gán hai tên cho một cái đơn giản, hay một tên cho hai cái đơn giản. Theo ông, ta không có cách nào để có thể mô tả toàn bộ các vật mà ta có thể gọi tên, nói cách khác là toàn bộ những gì có trong thế giới. Để có thể làm việc này, chúng ta sẽ phải biết về tính chất nào đó mà mọi thứ có chung do tính tất yếu logic. Ta tìm một tính chất như thế trong tính tự-đồng nhất, nhưng quan niệm đồng nhất bị phê bình của Wittgenstein phá hủy mà dường như chưa có cách nào thoát ra được. Định nghĩa tính đồng nhất bằng sự đồng nhất của những cái không thể phân biệt sở dĩ bị bác bỏ là vì sự đồng nhất của những cái không thể phân biệt dường như chưa phải là một nguyên lý tất yếu theo logic. Theo nguyên lý này, x đồng nhất với y nếu mỗi một tính chất của x cũng là một tính chất cũng y, nhưng xét cho cùng về mặt logic, vẫn có thể có hai cái có cùng hết mọi tính chất. Nếu điều này thực tế chưa xảy ra, đó là một đặc điểm ngẫu nhiên của thế giới, chứ không phải một đặc điểm tất yếu theo logic, và các đặc điểm ngẫu nhiên của thế giới lại không được phép đi vào cấu trúc của logic. Do đó, Ông Wittgenstein bỏ đi tính đồng nhất và dùng quy ước các ký tự khác nhau chỉ đến những cái khác nhau. Trong thực hành, tính đồng nhất là cần thiết giữa một tên và một sự mô tả hay giữa hai sự mô tả. Nó cần thiết trong mệnh đề như là ‘Socrates là triết gia đã uống thuốc độc’, hay ‘số nguyên tố chẵn là số liền sau số 1’. Vì hệ thống của Wittgenstein có thể dễ dàng cung cấp các cách dùng tính đồng nhất như thế.
Sự bác bỏ tính đồng nhất loại bỏ một phương pháp nói về toàn bộ các vật, và ta sẽ thấy rằng bất kỳ phương pháp nào khác có thể đề xuất cũng đều là ngụy biện như nhau: ít nhất Wittgenstein quả quyết như vậy, và tôi nghĩ ông đúng. Từ đây suy ra ‘đối tượng’ là một khái niệm giả. Nói ‘x là một đối tượng’ là không nói gì cả. Từ đây suy ra ta không thể thực hiện những phát biểu như là ‘có hơn ba đối tượng trong thế giới’. hay ‘có vô số đối tượng trong thế giới’. Các đối tượng chỉ có thể được đề cập trong mối kết nối với tính chất xác định nào đó. Sở dĩ chúng ta có thể nói ‘có hơn ba đối tượng là con người’, hay ‘có hơn ba đối tượng mang màu đỏ’ là vì trong các phát biểu này, từ ‘đối tượng’ có thể được thay bằng một biến trong ngôn ngữ logic, biến này là biến thỏa mãn hàm ‘x là con người’ trong trường hợp đầu tiên; trong trường hợp thứ nhì là hàm ‘x là màu đỏ’. Nhưng khi cố gắng nói ‘có hơn ba đối tượng’, ta không thể thay thế biến cho từ ‘đối tượng’, thành thử mệnh đề bị xem là vô nghĩa.
Ở đây chúng ta đụng đến một trường hợp của luận đề căn bản của Wittgenstein, đó là không thể nói điều gì về thế giới như một toàn bộ, và hễ điều gì có thể nói thì phải là về các bộ phận bị giới hạn của thế giới. Lập trường này có thể ban đầu do phép ký hiệu gợi ý, và nếu thế, nó khá được phép ký hiệu ủng hộ, vì một phép ký hiệu tốt có một sự tinh tế và phẩm chất gợi ý nhiều khi biến nó gần như thành một vị thầy sống thực. Những sự bất thường trong phép ký hiệu cũng là dấu hiệu đầu tiên chỉ ra những sai lầm triết học, và một phép ký hiệu hoàn hảo sẽ là một sự thay thế cho tư tưởng. Nhưng mặc dù phép ký hiệu có thể đã gợi ý cho Ông Wittgenstein trước hết về sự giới hạn của logic với các sự vật trong thế giới xét như đối lại với thế giới như một toàn bộ, song lập trường này, một khi được gợi ý, ta thấy cũng có nhiều điều khác gợi ý cho nó. Cho dù nói cho cùng nó đúng hay không, về phần mình, tôi không dám nhận là biết. Trong lời giới thiệu này, tôi chỉ cố gắng trình bày, chứ không lên án nó. Theo lập trường này, chúng ta chỉ có thể nói điều gì về thế giới như một toàn bộ nếu chúng ta có thể đặt mình nằm bên ngoài thế giới, tức là nó hết còn là thế giới toàn bộ với chúng ta. Thế giới của chúng ta có thể bị giới hạn bởi hữu thể bề trên nào đó, hữu thể này có thể khảo sát nó từ bên trên, nhưng với chúng ta, bất kể nó hữu hạn thế nào, nó không thể có một biên giới, bởi vì nó không có gì bên ngoài nó. Wittgenstein dùng trường thị giác như một phép loại suy. Với ta, trường thị giác của ta sở dĩ không có biên giới thị giác là chỉ vì không gì nằm bên ngoài nó, và giống cách đó, thế giới logic của chúng ta sở dĩ không có biên giới logic là vì không gì nằm ngoài logic của chúng ta. Nhưng suy xét này dẫn ông đến một thảo luận gây khá tò mò về thuyết duy ngã. Ông nói logic lấp đầy thế giới. Các biên giới của thế giới cũng là các biên giới của logic. Vì thế, trong logic, chúng ta sở dĩ không thể nói có cái này và cái này trong thế giới, mà không có cái kia, là vì nói điều ấy rõ ràng đã tiền giả định chúng ta có thể loại bỏ những khả năng nào đó, và trường hợp này là không thể, bởi vì logic bị yêu cầu phải đi ra khỏi các biên giới của thế giới như thể nó cũng có thể chiêm nghiệm các biên giới này từ phía bên kia. Ta không thể nghĩ những gì ta không thể nghĩ, cho nên ta cũng không thể nói những gì ta không thể nói.
Ông nói điều này cho ta chìa khóa để vào thuyết duy ngã. Những gì thuyết duy ngã muốn nói là khá đúng, nhưng điều này vốn không thể nói mà chỉ có thể chỉ ra. Thế giới là thế giới của tôi xuất hiện trong sự thật rằng các biên giới của ngôn ngữ (ngôn ngữ chỉ tôi hiểu) chỉ ra các biên giới của thế giới của tôi. Chủ thể siêu hình không thuộc về thế giới mà là một biên giới của thế giới.
Chúng ta phải đi tiếp đến câu hỏi về những mệnh đề phân tử, những mệnh đề thoạt trông không là các hàm chân lý của những mệnh đề nằm trong chúng, chẳng hạn như ‘A tin p’. Wittgentein giới thiệu chủ đề này khi phát biểu lập trường của mình: mọi mệnh đề phân tử đều là các hàm chân lý. Ông nói (5.54): ‘Trong hình thức mệnh đề tổng quát, những mệnh đề xảy ra trong một mệnh đề chỉ trong vai trò những cơ số của các phép toán chân lý’. [ND: bản dịch 1974] Ông tiếp tục giải thích: thoạt trông ta thấy dường như một mệnh đề có thể xảy ra theo những cách khác, chẳng hạn ‘A tin p’. Ở đây có vẻ như mệnh đề p đứng trong một loại quan hệ nào đó với đối tượng A. ‘Tuy nhiên, rõ ràng “A tin rằng p”, “A đã có ý nghĩ p”, và “A nói p” đều mang hình thức ‘“p” nói p’: và hình thức này không bao gồm một mối tương quan giữa một sự thật với một đối tượng, mà đúng hơn là mối tương quan giữa những sự thật bằng mối tương quan giữa các đối tượng của chúng’ (5.542). [ND: bản dịch 1974]
Điều Wittgenstein đang nói ở đây được nói quá vắn tắt nên những ai chưa biết về các cuộc tranh cãi ông đang bận tâm sẽ khó lòng thấy rõ. Bạn đọc sẽ tìm thấy lý thuyết ông đang phản bác trong những bài báo của tôi về bản tính chân lý và sai lầm trong Philosophical Essays/ Những Tiểu Luận Triết Học và Proceedings of the Aristotelian Society, 1906–7. Vấn đề đang bàn là vấn đề hình thức logic của niềm tin, đó là giản đồ trình bày những gì đang xảy ra khi một người đang tin là gì. Tất nhiên, vấn đề không chỉ là với niềm tin mà còn với nhiều hiện tượng tâm trí khác mà ta có thể gọi là các thái độ mệnh đề: nghi ngờ, xem xét, mong muốn v.v. Trong tất cả các trường hợp này, có vẻ tự nhiên thôi ta diễn đạt hiện tượng này ở hình thức ‘A nghi ngờ p’, ‘A mong muốn p’, v.v. hình thức này làm cho nó có vẻ như chúng ta đang xử lý một quan hệ giữa một người và một mệnh đề. Tất nhiên, đây chưa phải là phân tích tối hậu, bởi lẽ người là một giả tưởng và mệnh đề cũng vậy, trừ phi nói theo ý chúng là các sự thật tự biện minh cho mình. Một mệnh đề, xét như một sự thật tự biện minh cho mình, có thể là một tập hợp các từ mà một người nói về mình, hay một hình ảnh phức tạp, chuỗi hình ảnh chạy qua trong tâm trí anh ta, hay một tập hợp các chuyển động thân xác mới bắt đầu. Mệnh đề xét như một sự thật tự biện minh cho mình, chẳng hạn tập hợp các từ quả thực một người tự nói với mình, là chẳng liên quan đến logic. Cái liên quan đến logic là các thành tố chung giữa tất cả sự thật này, cái giúp anh ta có thể nói đến sự thật mà mệnh đề khẳng định, như chúng ta đang nói. Tất nhiên, nó liên quan nhiều hơn với tâm lý học; bởi lẽ một biểu tượng hàm nghĩa những gì nó biểu trưng không chỉ nhờ vào một mình quan hệ logic, mà còn nhờ vào một quan hệ dự định, hay liên kết, hay phủ định thuộc về tâm lý học. Tuy nhiên, nhà logic không bận tâm đến phần tâm lý học của nghĩa. Cái ông ta quan tâm trong vấn đề niềm tin là giản đồ logic. Rõ ràng khi một người tin một mệnh đề, ta không nhất thiết phải giả sử người đó là một chủ thể siêu hình để hiểu những gì đang xảy ra. Điều cần phải giải thích là quan hệ giữa tập hợp các từ vốn là một mệnh đề được xem như một sự thật tự biện minh cho mình, và sự thật ‘khách quan’ làm cho mệnh đề thành đúng hay sai. Điều này suy cho cùng quy thoái về câu hỏi nghĩa của các mệnh đề, tức là nói nghĩa của các mệnh đề là phần nằm ngoài tâm lý học duy nhất của vấn đề liên quan trong phép phân tích niềm tin. Vấn đề này đơn giản là vấn đề quan hệ giữa hai sự thật, đó là quan hệ giữa chuỗi từ do người đang tin dùng và sự thật làm cho các từ này thành đúng hay sai. Chuỗi từ là một sự thật bằng như cái làm cho nó thành đúng hay sai là một sự thật. Quan hệ giữa hai sự thật này đâu phải không thể phân tích, bởi vì nghĩa của một mệnh đề tạo ra từ nghĩa của các từ thành phần của nó. Nghĩa của chuỗi từ làm thành một mệnh đề là một hàm của các nghĩa của các từ riêng rẻ. Theo đó, mệnh đề xét như một toàn bộ thật ra không đi vào những gì cần phải được giải thích khi giải thích nghĩa của một mệnh đề. Có lẽ nó chỉ giúp ta thấy quan điểm tôi đang muốn chỉ đến, chỉ giúp ta nói trong các trường hợp này, chúng ta đang xem xét mệnh đề đang xảy ra như một sự thật, chứ không phải như một mệnh đề. Tuy nhiên, ta chớ nên hiểu một phát biểu như thế theo nghĩa đen. Điểm thật sự là khi tin, mong muốn v.v., cái căn bản theo logic là quan hệ của một mệnh đề, xét như một sự thật, với sự thật làm cho nó thành đúng hay sai, và quan hệ này giữa hai sự thật có thể quy thoái về một quan hệ của các thành phần của chúng. Vì vậy, mệnh đề vốn không xảy ra theo cùng một ý nó xảy ra trong một hàm chân lý chút nào cả.
Tôi thấy dường như ở một số phương diện, lý thuyết của Ông Wittgenstein cần phát triển nhiều hơn về mặt kỹ thuật. Điều này cũng vậy nhất là với lý thuyết về số của ông (6.02 ff), như hiện thời nó chỉ có thể xử lý những số hữu hạn. Không môn logic nào được xem là thỏa đáng nếu nó chưa chứng tỏ có khả năng xử lý các số transfinite. Tôi không nghĩ có gì trong hệ thống của Wittgenstein giúp ông có thể khắc phục thiếu sót này.
Thú vị hơn cả những câu hỏi tương đối chi tiết như thế là thái độ của Ông Wittgenstein đối với cái huyền nhiệm. Thái độ của ông ở đây phát triển tự nhiên từ học thuyết của ông trong logic thuần túy, theo đó mệnh đề logic là một bức tranh (đúng hay sai) của sự thật, và có chung với sự thật này một cấu trúc nào đó. Chính cấu trúc này khiến nó có thể làm một bức tranh của sự thật đó, nhưng ta không thể phát biểu cấu trúc này thành lời, bởi vì nó là một cấu trúc của các từ, cũng như là của các sự thật mà chúng chỉ đến. Do đó, tất yếu ngôn ngữ vẫn không thể diễn đạt hết mọi thứ nằm trong chính ý niệm tính diễn đạt của ngôn ngữ, thành thử ngôn ngữ không thể diễn đạt mọi thứ theo một ý chính xác hoàn hảo. Theo Ông Wittgenstein, tính không thể diễn đạt chứa cái toàn bộ của logic và triết học. Ông nói phương pháp đúng đắn để dạy triết học là tự hạn định mình ở những mệnh đề của khoa học, phát biểu một cách chính xác và rõ nhất hết mức có thể, để dành lại những khẳng định triết học cho người học, và chứng minh cho anh ta thấy, chừng nào anh ta phát biểu chúng ra, chừng đó chúng là vô nghĩa. Quả thật, định mệnh của Socrates có lẽ xảy ra cho một người đã thử dùng phương pháp giảng dạy này, nhưng chúng ta chớ nên nản lòng vì sợ hãi, ví dầu đó là phương pháp đúng đắn duy nhất. Không phải điều này khiến ta ngần ngại chấp nhận lập trường của Ông Wittgenstein, mặc dù ông đã đưa ra các lập luận rất vững chắc để bênh vực nó. Điều khiến ta ngần ngại là sau hết, Ông Wittgenstein có thể nói rất nhiều về những gì vốn không thể nói, thành thử một bạn đọc đa nghi sẽ cho là có thể có lỗ hổng nào đó xuyên qua tổ chức cấp bậc của ngôn ngữ, hay nhờ lối ra khác nào đó. Chẳng hạn, Ông Wittgenstein đặt toàn bộ chủ đề đạo đức học vào vùng không thể diễn đạt, huyền nhiệm. Tuy nhiên, ông lại có thể trình bày những ý kiến đạo đức học của mình. Ông có thể biện hộ rằng cái ông gọi là huyền nhiệm có thể chỉ ra, mặc dầu không thể nói ra. Có thể sự biện hộ này là thỏa đáng, nhưng về phần mình, tôi phải thú nhận rằng nó để lại trong tôi sự không dễ chịu về trí tuệ theo ý nào đó.
Có một vấn đề logic thuần túy, đối với nó những khó khăn này là kịch liệt phi thường. Tôi muốn nói đến vấn đề tính tổng quát. Trong lý thuyết về tính tổng quát, ta nhất thiết phải xem xét mọi mệnh đề có hình thức fx, trong đó fx là một hàm mệnh đề cho sẵn. Theo hệ thống của Ông Wittgenstein, đây thuộc về phần logic có thể diễn đạt. Nhưng Ông Wittgenstein không chấp nhận toàn bộ giá trị có thể có của x vốn dường như có thể kể trong toàn bộ các mệnh đề có hình thức fx là những điều có thể nói, vì đây không gì khác hơn là toàn bộ các vật trong thế giới, cho nên bao gồm nỗ lực quan niệm thế giới như một toàn bộ; ‘cảm nhận thế giới như một toàn bộ bị giới hạn- chính đấy là huyền nhiệm’; vì vậy toàn bộ các giá trị của x là huyền nhiệm (6.45). [ND: bản dịch 1974] Điều này được Wittgenstein lập luận thật ấn tượng khi ông phủ nhận việc chúng ta có thể phát biểu về có bao nhiêu vật trong thế giới, ví dụ như nói có hơn ba vật.
Tôi thiển nghĩ có thể giải quyết các khó khăn này như sau: như Ông Wittgenstein nói, mỗi ngôn ngữ có một cấu trúc về điều không thể nói được trong ngôn ngữ đó, nhưng cũng có thể có một ngôn ngữ khác bàn về cấu trúc của ngôn ngữ thứ nhất, và bản thân nó có một cấu trúc mới, và tổ chức cấp bậc ngôn ngữ này đâu thể có giới hạn. Ông Wittgenstein tất nhiên có thể đáp lại rằng toàn bộ lý thuyết của ông có thể áp dụng không đổi với toàn bộ các ngôn ngữ như thế. Lời đáp lại duy nhất là phủ định không có cái toàn bộ như vậy. Tuy nhiên, Ông Wittgenstein nghĩ có những cái toàn bộ ông tin không thể nói theo logic, và chúng là chủ đề của thuyết huyền học của ông. Cái toàn bộ tạo ra từ tổ chức cấp bậc của chúng ta nào chỉ đơn thuần không thể diễn đạt theo logic, mà còn là một giả tưởng, một ảo ảnh đơn thuần, và như vậy phạm vi được cho là của cái huyền nhiệm sẽ không còn. Một giả thuyết như thế là rất khó, và tôi có thể thấy những phản bác mà lúc này đây tôi chưa biết làm sao trả lời. Song tôi không thấy có bất kỳ giả thuyết nào dễ hơn có thể thoát khỏi các kết luận của Ông Wittgenstein. Cho dù giả thuyết rất khó này chứng tỏ chỉ là tạm thời, nó không đụng gì đến phần lớn lý thuyết của Ông Wittgenstein, mặc dù có thể nó chạm đến phần chính ông muốn nhấn mạnh nhiều nhất. Là một người có kinh nghiệm lâu dài về các khó khăn trong logic và tính huyễn hoặc của các lý thuyết dường như không thể bị bác bỏ, tôi thấy mình chưa thể chắc lắm về tính đúng đắn của một lý thuyết, chỉ đơn thuần trên cơ sở tôi chưa thấy có điểm gì sai. Nhưng xây dựng một lý thuyết logic không có chỗ sai rõ ràng là đã làm một việc lao khó và quan trọng phi thường. Theo ý tôi, quyển sách của Wittgenstein có công lao ấy, và khiến nó trở thành một quyển sách không có triết gia nghiêm túc nào có thể bỏ qua.
Bertrand Russell
Tháng 5 1922
hết chuyện
2 tuần trước
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét