Thứ Sáu, 14 tháng 10, 2011

Giá sách phi mã

Ngoài nhà sách có 2 cuốn này (mới mua lun): Tăng nhất A-hàm và Việt ngữ tinh nghĩa từ điển.
Sách lúc này tăng giá phi mã, biết đâu nhờ vậy sách in ở VN giảm xuống còn 1/10 so với bây giờ là vừa. Nhiều người tưởng trình độ dân trí ta kém là do thiếu sách (nên ồ ạt làm sách, dịch sách, in sách với giá bán trên trời, chắc họ tưởng sản phẩm của mình là...chất lượng), theo tui là do...nhiều sách quá ấy chớ (nói về lượng, có muốn so thế nào thì sách ta phải là ít ỏi so với...sách tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Nhật. Mà so với tụi đế quốc đó làm chi hén, nước ta chỉ là cái nước nhỏ, dân có học thì ít, dân có đọc sách càng ít, dân thường đọc sách, biết đọc sách thì càng ít ít ít nữa, có nhiều nhỏi chi đâu mà so với mấy thằng đế quốc chi).
Thấy thiên hạ quằn quại với "văn hóa" đọc chi đó mừ thấy tội nghiệp. Trên đường đi làm, tui hay thấy bảng hiệu "văn hóa , văn minh thương mại" ở ngay chợ, rồi "văn hóa giao thông". Úi ùi, văn với chả hóa. Bữa nọ nghe đâu một vị lãnh đạo nhà nước chê dân ta kém ý thức hay đái bậy, xả rác bừa bãi. Thành thật với các bạn, ở Sài Gòn này tui cũng hay xả rác lắm (đái thì chưa, tại đến giờ vẫn chưa bị kẹt quá, chớ hông tui cũng đái rồi, chớ sao, mắc đái thì cho người ta đái chớ). Cái này là do xã hội tha hóa con người rõ ràng nhé, chẳng phải ý thức gì đâu. Số là tui ở xứ người gần 8 năm trời, hình như chưa bao giờ phải có ý nghĩ đái đường vì toilet có nhiều thì ai đái bậy chi (hay là cứ vài trăm thước, nhà nước để thùng rác giùm cái, ai đó bộ điên sao mà hổng quăng rác vô thùng).
Ấy vậy mà lãnh đạo lại hông hiểu hay hổng muốn hiểu (dân ai cũng hiểu chỉ có một ông nhà nước là hổng hiểu; nói dzị chắc mẩy ổng hiểu chớ sao lại hông, có điều lâu lâu được xài xể nhân dân thì....ngu sao hổng xài xể).

Thứ Hai, 10 tháng 10, 2011

Đọc Phục sinh

Witt là người mê đọc Dos và Toltoys (Anh em Karamazov ổng đã đọc tới 12 hay 13 lần, Tội ác và hình phạt cũng đâu đó số lần). Witt bảo thời đại gần đây chỉ có 2 người viết hay về Kito giáo là Dos và Toltoys. Riêng truyện Phục sinh thì ổng bảo là hổng đọc vô.
Đọc truyện này rồi, tui chợt thấy ra do đâu mà Witt lại mê đọc 2 ông này, tuy rằng tui cũng theo chân Witt đọc khá nhiều Dos và Toltoys (Dos chắc đã đọc sạch bách các bản tiếng Việt, Totloys thì chắc còn nhiều cái chưa đọc hết). Do đâu thì ứ thèm nói để... các bạn tự thấy mới thú.
Một ngày nọ nói chuyện với anh bạn, hai anh em đại khái đồng ý với nhau: dân Việt Nam chưa thấy ai có khả năng viết tiểu thuyết, chỉ viết được truyện dài (dài vài trăm hay hàng ngàn trang tùy nhưng cũng chưa thể gọi là tiểu thuyết). Viết tiểu thuyết đòi hỏi phải thiết kế, phải có thể mô tả tâm lý nhân vật. Nhà văn VN giỏi lắm cũng chỉ biết kể chuyện là cùng. Đại khái ấn tượng là thế, mà có lẽ tự tin nói thế vì tui ít đọc văn học VN (chẳng là người ta cái gì mà hổng biết thì thường hay tự tin). Một truyện mà gần đây tui nghe thiên hạ khen là tiểu thuyết hay là Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, mừ phải thành thật với tình yêu là đọc không quá vài chục trang đã nản lòng chiến sĩ (Tuổi 20 yêu dấu của Nguyễn Huy Thiệp là tự hào là đọc hết, không khá hơn Nhưng cô gái chân dài là mấy, còn truyện ngắn của chàng này thì phải nói là tởm lợm, đọc vào mà lợm giọng, không chơi).
Vừa rồi đọc bản tiếng Việt của Phạm Thị Mến hai truyện Iliad và Odyssey. Rút ra một kết luận huề vốn: trẻ con nên đọc nhiều chuyện khơi gợi trí tưởng tượng thế này (hai cô cháu nhà tui bao giờ về nhà , tui đưa cho hai cô Nghìn lẻ một đêm, truyện cổ Grim,...thì hai nàng đều chạy tuốt luốt, chỉ mê đọc truyện tranh thôi).

+ Trả lời comment vô đây nghen vì hổng post được:
Đọc Witt dễ trôi hơn thì đọc sách commentary…hehe…Nhưng mà đó là con đường tầm bậy, muốn học hiểu cho nghiêm chỉnh thì phải học đàng hoàng, và không thể nhanh.
4 cuốn đó hổng liên quan đến Witt nhiều:
- Problems là cuốn Witt ghét vì chương thứ 14 (value of philo)
- Our knowledge: cuốn này Russell chỉ phát thảo sơ bộ, về sau Carnap khai triển toàn diện trong Logical construction of the world (cuốn này là một tác phẩm lớn có số phận bi thương).
Nên đọc thêm: Philosophical essays, Mysticism and logic (Mysticism giữa Russell và Witt là một chủ đề lý thú), Sceptical essays.
- Inquiry là một tác phẩm rất hay.
- Analysis of matter là một tác phẩm khó, muốn đọc thì phải học nhiều vật lý. bad news là chẳng giúp ích gì cho đọc Witt.
Những tác phẩm làm background để đọc Witt sơ kỳ (tức Tractatus) là mấy tác phẩm này:
- Principles of mathematics: khá khó. Đọc hổng trôi thì đọc tạm quyển giới thiệu cho độc giả phổ thông: Introduction to mathematical philosophy (nêu những điểm chính của Principia). Tác phẩm tóm lược foundations of maths hay nhất là The nature of mathematics của Max Black.
- the philosophy of logical atomism: liên quan trực tiếp nhất với Tractatus. Bản Routledge classics có lời giới thiệu công phu của David Pears.
Bài elements của Russell thì nên coi gốc của nó là cuốn Principia Ethica của Moore (và cuốn Ethics về sau). Cuốn some main problems của Moore cũng có nội dung tương tự cuốn Problems của Russell nhưng dài hơn nhiều.
Muốn đọc Russell và Witt sơ kỳ thì phải học hiểu Set theory, mathematical logic. Phần này thì... căng lắm, nếu muốn thì tui sẽ kể giùm dăm cuốn.

+ Trả lời comment:
Tui thấy bạn nói đọc cuốn Analysis of mind chớ, đâu có tưởng là cuốn analysis of matter. Yên chí.
Sách giới thiệu logic, set theory:
- hai cuốn tốt nhứt là của Patrick Suppes:Introduction to logic và Axiomatic set theory
- Naive set theory của Halmos (nghe tên đừng có tưởng dễ ăn nghen)
- Introduction to logic and methodology of the deductive science của Tarski. Mặc dù của chính Tarski nhưng khá dễ.
- Introduction to Mathematical logic, vol 1 của Alonzo Church (không có tập 2 đâu, chỉ có 1 tập): Church là thầy của Alan Turing, ổng là một trong những đại cao thủ logic đời cũ ở Mỹ (đời sau này là làn sóng của Vienna Circle). Cuốn này hổng dễ.
Quine viết khá nhiều sách logic, set theory nhưng hổng phải xuất sắc. Mấy cuốn này làm giáo trình nhiều năm ở Harvard, sau này nghe nói có một tay mới thay ổng là Warren Goldfarb cũng viết một cuốn dạy học trò ở đó là Deductive logic (hay hông hổng biết).
Bậc thầy về logic là Carnap (Feyerabend từng gọi vui là superlogician, không quá lời đâu). Nhưng sách logic của Carnap không hề dễ một chút nào (những rất đáng công học).
Ngoài ra còn có sách của Hilbert, Frege (hổng phải cực kỳ khó), loại cực kỳ khó là của Tarski, Godel và Russell (bộ Principia mà tui chưa bao giờ đọc).
Loại dễ hơn không phải do "danh gia" viết thì có rất nhiều.

Thứ Bảy, 8 tháng 10, 2011

Thanh nhàn

Tối thứ 7 được ngồi nhà hưởng thú thanh nhàn uống trà và nghe nhạc. Cái player bị hư, trong cái xui có hên là nhờ vậy mà nối loa vô máy tính, thế là nghe được cả đống nhạc lâu nay hổng lấy ra nghe. Đọc 4 tập sách Portraits of Witt liền thấy có hứng nghe nhạc trở lại.
Đang định bụng nghỉ học ban đêm một thời gian vì lúc này học hành hổng còn thấy có bổ ích gì chi.
Lỡ dại nhận lời đi nói chuyện một bữa về triết học phân tích vào tháng 11, giờ thấy quá dại dột. Vụ này thiệt là một chuyện làm quá sức, thấy chương trình gì mà dài cả 2 tiếng mà tui độ tui nói chắc dăm phút là hết. Chắc đành là vậy.
Mấy dạo gần đây mới có dịp đi vòng vòng quanh xóm. Nhà tui dọn đến đây 10 năm hơn, hồi trước vẫn còn là một bãi sình lầy. Mấy năm xa nhà lâu lâu trở về giỏi lắm chắc tui biết được 3-4 căn nhà sát nhà tui. Hóa ra xóm này là cái xóm lao động khá nghèo, bà con lam lũ hổng thua gì gia đình tui. Có lẽ tui bắt đầu cảm thấy nơi đây thành ra nhà của mình.
Thui ngồi uống trà tiếp, tối nay nằm đọc truyện Phục sinh của cụ Toltoys.