Chủ Nhật, 12 tháng 2, 2012

Đầu năm

+ Nhà thờ đức bà Paris: của Victor Hugo, bản dịch của Nhị Ca. Lâu lâu mới coi một cuốn hấp dẫn và để lại nhiều ấn tượng. Sau chuyến thăm châu Âu hồi đầu năm, về nhà cũng muốn đọc nhiều chuyện về xứ sở này, và cuốn này đáp ứng trúng nhu cầu. Cuốn này có mấy trường đoạn luận về Paris, nhà thờ, phố thị rất lý thú.
+ Đại cương Câu xá luận: bài dịch và giảng Câu xá luận của HT Thích Thiện Siêu. Mấy bộ luận của Phật giáo thiệt kinh hoàng về quy mô và độ khó. Cũng hôm nọ đã mượn Thành thật luận về đọc, nản luôn vì chữ rị rị, giấy đen thui (nhưng nguyên nhân chính làm nản lòng là khó quá).
Mà hổng ác liệt sao được khi ở bên Tàu có luôn 2 tông tên là Câu xá tông và Thành thật tông chuyên về 2 bộ luận này. Lại có Hoa Nghiêm Tông, Thiên thai tông lấy 2 bộ kinh Hoa Nghiêm, Pháp Hoa làm chủ, Tam luận tông thì lấy 3 bộ luận làm chủ (mấy bộ này đọc vô cũng thấy mù mịt). Trong bản dịch tiếng Anh bộ Câu xá luận có nhắc chuyện truyền thống bên Nhật Bản rằng học trò mới vô nhập môn phải học 8 năm Câu xá luận ! Hỏi một người quen của Rem mới được cho hay ở VN phải lên tới trình độ cao cấp Phật học mới học tới Câu xá hay Thành thật luận (cũng chỉ học đoạn trích).
+ Luận đại trí độ: bản dịch của HT Thích Thiện Siêu. Bộ này cũng chỉ mới lem nhem cuốn tập 1 (hơn 800 trang mà bộ này tới 5 tập). Bộ luận này nổi tiếng là một bộ Bách khoa thư của Đại thừa (cũng như Thanh tịnh đạo luận nổi tiếng là bách khoa thư của Thượng tọa bộ, Đại tỳ bà sa của Hữu bộ (mà bộ Câu xá được coi như là “rút gọn” của bộ Đại tỳ bà sa!).
Sau một thời gian đua đòi học Phật mới hay cái định kiến cho rằng người Việt làm biếng hổng chịu dịch sách chi thiệt có phần sai lầm nặng nề (vì cứ chăm chú vào giới báo chí, trí thức, đại học của VN nên tưởng bở). Thiệt là ngu dại. Bữa nọ đến chơi nhà thầy với bạn, cũng thấy hình như họ cũng tưởng lầm như vậy. Nghe bàn đạo thấy cũng “nghe vậy thấy vậy”, nghe rồi thôi cũng hổng vướng mắc buồn vui chi, cũng chẳng ham hố cải chính. Ngộ vậy ấy chớ. Thú thiệt việc học Phật hổng ít lần làm tui nản chí vì thấy mê mờ hổng đến đâu (ai học chắc cũng thấy vậy là bình thường quá, tín tâm lúc lên lúc xuống, bởi vậy mới có cầu Bồ đề tâm tăng trưởng chớ phải hông). Vậy mà có khi “đụng chạm” mới phấn khởi “á, việc học không không tưởng hổng đi đến đâu coi vậy chớ cũng có tác dụng đó chứ ”.
Đầu năm nay đi nghe thời khai pháp của các vị Giáo thọ về nhà rất phấn khởi, vui mừng. Buổi đầu tiên đi nghe vậy là ngon rồi. Thiệt tình tui có cái bịnh nặng nề lắm, khả năng nghe rất kém dù là nghe quý vị sư giảng. Ít có chịu “bình thường tâm” nghe giảng, lúc thì ngủ gục, lúc bỏ đi ra ngoài đọc sách. Năm nay đầu năm lên ngồi hàng đầu đàng hoàng, ngoan ngoãn nghe hết thời pháp và thấy hoan hỷ, phấn khởi (hì hì…như vậy là tiến bộ ngon lành rồi, nguyện mong năm nay được tinh tấn). Ngày khai pháp đầu năm nay rất đông vui. Gặp lại quý “đạo hữu” thiệt thấy hoan hỷ thay. “ Ăn cơm có canh, tu hành có bạn”: tình hình lúc này rất tình hình (thiệt sự là lâu rồi hổng đi chùa là lại…tình hình ngay) nên chuyện thường xuyên gặp bạn hiền thiệt quý làm sao.
Nghe thầy giảng bữa nay có mấy điều hữu ích với mình làm sao:
- Ai cũng nên có bạn: đại khái Thầy khuyên ai già đi nữa thì cũng nên có bạn, đi thăm bạn, trò chuyện với bạn…bằng không thì dễ bị điên lắm. Hí hí…đúng thiệt.
- Biết đủ: bớt ham hố, hài lòng với những gì mình có. Vụ này nghe hoài mà làm mãi không trôi. Chẳng hạn tui có bịnh ghiền mua sách, rãnh phải ghé nhà sách, ghé rồi phải mua cuốn gì đó dù sách Việt giờ cũng hiếm ra sách hay đáng mua. Kệ, sách dở cũng chơi luôn, hổng ấy ngứa ngáy khó chịu. Cái này đúng thiệt là trọng bệnh ghiền. Ghiền xì ke, ma túy còn có lúc bỏ được, ghiền vụ này coi bộ hết thuốc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét