Thứ Sáu, 27 tháng 1, 2012

Tết

Tết ở quê đông vui hơn tết SG, SG vắng tanh, nhiều người về quê, số còn lại đóng cửa nằm trong nhà cho ngộp chơi, quán cafe đóng cửa, tiệm sách hổng bán. Về quê ăn tết vui hơn hẳn. Hai năm rồi tui không về quê ăn tết, phố xá bây giờ đông đúc quá, nhiều cửa hàng mọc lên, nhiều nhà sửa sang lại, đường nâng cao lên. Thay đổi nhiều đến độ mất luôn khả năng định vị hổng biết mình đang đi đến khúc nào mặc dầu đường thì vẫn như cũ. Nhìn kỹ lại thì căn nhà đó cũng là chủ đó, vẫn làm cái nghề đó.Tóm lại, phố xá thì bộ xương vẫn còn, da thịt thì giờ đổi thay.
Dạo trước tết đi thăm 2 chùa là chùa Giác Lâm với Vĩnh Nghiêm. Chùa Giác Lâm nhân vì đọc trong sách thấy ghi là một trong những ngôi chùa xưa nhứt ở SG, hồi đời xưa Nguyễn Ánh trốn Tây Sơn trong SG này là trốn trong mấy ngôi chùa ấy. Thành ra anh chàng sau này lập được đại nghiệp bèn sắc phong xứng đáng cho mấy ngôi chùa từng có công cưu mang mình. Ngày nay chùa Giác Lâm được công nhận là di tích quốc gia. Thêm một cái việc nữa là hàng ngày đi làm tôi vẫn qua lại ngôi chùa này. Ấy vậy, khi đi hớn hở khi về buồn thiu. Như bao di tích quốc gia khác, chùa này có đông đảo đội ngũ kinh doanh đủ thứ, tạp nham đến buồn nản. Còn chùa thì cũng bày chuyện cúng sao, đốt nhang cúng luôn cho ... cây.
Chùa Vĩnh Nghiêm vốn là ngôi chùa nổi tiếng bậc nhứt ở SG này, khi có mấy đứa đồng nghiệp bên Đức hỏi ở SG nên viếng những đâu thì tui bèn giới thiệu là nên đến Vĩnh Nghiêm. Giới thiệu sảng vậy ấy chứ tui đã bao giờ đến chùa này đâu. Đến rồi thì tui cũng thấy buồn, buồn cái vụ cúng trăng cúng sao. Thật chưa bao giờ tưởng tượng được một nơi vốn ngỡ như có nhiều người đầu óc sáng sủa lại còn để cho làm cái trò này.
Thấy vụ cúng kiến này rồi lại thêm căm giận mấy đứa ba Tàu, cái tụi đã để lại tệ mê tín nặng nề cho xứ này. Cái nọc độc "văn hóa" ấy ngàn năm cũng chưa phai ("văn hóa" tất nhiên phải cho vô dấu nháy vì văn hóa thì làm gì có độc hại, vụ dùng từ kiểu này e rằng chỉ thấy ở chế độ cộng sản ở VN).
Sáng nay dậy sớm uống cốc cafe, nghe nhạc cho thoải mái tinh thần.

Thứ Bảy, 14 tháng 1, 2012

Thương về miền Trung

Mấy tháng trước nhờ duyên lành, Rem được đi ra Quãng Trị, về ghé Huế, Đà Nẵng, Nha Trang. Mỗi nơi chỉ ghé chút chút, hổng được đi tham quan chi nhiều nhưng cũng thấy mãn nguyện vì đây là lần đầu được đi qua nhiều tỉnh của Trung Việt, được tận mắt chứng kiến quê hương Trung phần nắng cháy da người, bão lũ quanh năm, khúc ruột miền Trung nhiều đau khổ. Ra Huế thăm cung điện triều Nguyễn, thấy đâu phải tệ lắm như người ta nói (tuy công tác bảo tồn so với thiên hạ đúng là kém rồi, cái đó thì thôi không nói), Nam triều có cái cung điện thế kể cũng ngon rồi.
Xe chạy ngang nhiều nơi, thấy một đằng là dân ta nghèo khổ, nhà lụp xụp hổng đủ để che mưa che nắng, một đằng là các trụ sở ủy ban bề thế, sang quá. Thầm nghĩ, bao đời này có quan nào mà thương dân, toàn là đám xôi thịt xạo ke cả thôi. Ở cố đô thì lại thấy các cơ quan ban ngành mới có nhiều trụ sở hoành tráng, sang trọng trong khi cung điện của triều Nguyễn cũ nhìn lam lũ, điêu tàn thấy thương. Cái sự đời nó là vậy đó mà. Bởi vậy, dạo này ít coi thời sự của Đài VTV để hạn chế chửi thề. Ở nhà ông già ngày nào cũng coi, Rem chỉ ngang ngó rồi đi thẳng cho nó khỏe cái lỗ miệng.

Chủ Nhật, 8 tháng 1, 2012

Sách đạo

Đại tạng kinh là một tập hợp các kinh sách đồ sộ của đạo Phật. Bộ sách này có bao nhiêu kinh, nội dung là gì là câu hỏi làm tôi thắc mắc. 100 là số tập của bộ đại tạng tiếng Việt do các vị người Việt đã dày công dịch thuật và cách đây mấy năm đã in ở Đài Loan và tặng cho mấy thư viện ở VN. Bộ Đại tạng kinh hiện đại nổi tiếng là bộ Đại Chính do Takakusu biên tập và xuất bản 2 lần vào những thập niên 1920s và 1930s. Bộ này hình như cũng có 100 tập và được người ta tham khảo rộng rãi vì tính tin cậy trong khảo chứng và uyên bác của nó.
Nghe đồn thiên hạ đang làm bộ Đại tạng bằng tiếng Anh. Tìm trên Amazon thấy có mấy quyển này của bộ BDK mà theo một báo cáo về tiến độ thì đến cuối năm 2002 đã xuất bản được 25 tập:
http://www.amazon.com/s/ref=pd_lpo_k2_dp_sr_sq_top?ie=UTF8&keywords=english%20tripitaka&index=blended&pf_rd_p=486539851&pf_rd_s=lpo-top-stripe-1&pf_rd_t=201&pf_rd_i=0962561800&pf_rd_m=ATVPDKIKX0DER&pf_rd_r=17S9KZCZXDXW53F8V6DC
May mắn mấy hôm trước Rem có thấy trên mạng cuốn sách dịch mang tên Đại tạng kinh nhập môn do Thích Viên Lý dịch. Cuốn này tóm tắt trong vòng vài đoạn văn ngắn về một kinh điển được chọn dịch trong loạt đầu tiên do tầm quan trọng của chúng. Đọc được cuốn này như đang khát gặp nước uống.
Có một cuốn khác giới thiệu kinh điển Pali được sư Giác Nguyên dịch sang tiếng Việt:
http://www.daophatngaynay.com/vn/kinh-dien/van-hoc-kd/5440-Gioi-Thieu-Van-Hoc-Kinh-Dien-Pali.html
Có 2 cuốn nữa về văn học Pali: một cuốn của Thích Tâm Minh tên là Khảo cứu văn học Pali và cuốn kia tên là Hướng dẫn đọc Tam tạng kinh điển:
http://www.sachphatgiao.com/huong-dan-doc-tam-tang-kinh-dien.html
Riêng về sách tiếng Anh thì có mấy cuốn của danh gia: History of Indian Literature 2 tập của Maurice Winternitz (tập 2 về kinh sách của đạo Phật và Kỳ Na, bản Anh dịch xuất bản 1933). Tuy nhiên diễn giải của Winternitz về văn học Phật giáo tôi nghĩ là hãy còn chỗ nông cạn không tránh khỏi của thế hệ học giả phương Tây trước khoảng 1940. Rõ ràng chỉ cần chừng hơn 100 năm học hỏi, thế hệ học giả Tây phương nữa sau thế kỷ 20 cho thấy họ đã trở thành nhà nghề trong việc học hỏi Tam tạng kinh điển. Một cuốn khác cũng đồ sộ không kém, dày cộm gần 700 trang, là cuốn của GS Bimala Churn Law nhan đề là A history of Pali Literature cũng xuất bản lần đầu năm 1933. 2 cuốn thuộc cấp nhà nghề là tập 7 trong bộ History of Indian Literature gồm 2 cuốn nhỏ: 1 cuốn về văn học Pali, một cuốn khác về văn học của Trung Quán Tông. Trình độ của cuốn sau thiệt là đáng nể. Nhân đó tui lật thử cuốn Trung Luận giảng giải của HT Thanh Từ ra đọc, đọc vài trang đã khâm phục và lấy làm thú vị làm sao. Rõ ràng kiến giải của hai nhà hoàn toàn tương đồng về lý duyên khởi. Trí tuệ của HT thật là bất khả tư nghì.